DRKA: Mặt bằng giá thứ cấp thị trường căn hộ

DRKA: Mặt bằng giá thứ cấp thị trường căn hộ TPHCM và vùng phụ cận khó đột biến trong ngắn hạn

Diễn biến tại các loại hình bất động sản trong năm 2024 được dự báo sẽ vẫn trầm lắng, khó tăng đột biến so với năm 2023. Các giao dịch bán “cắt lỗ”, giảm sâu có thể giảm đáng kể do phần lớn người mua lạm dụng đòn bẩy tài chính đã thực hiện cơ cấu hoặc bán bớt tài sản giai đoạn 2020 – 2023.

Long An dẫn đầu thị trường đất nền 2024

Theo báo cáo thị trường bất động sản 2023 của DKRA Group, năm 2024, thị trường đất nền TPHCM và vùng phụ cận tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, dao động trong khoảng 2,900 – 3,100 nền.

Trong đó, Long An là địa phương dẫn đầu thị trường năm 2024 với khoảng 850 – 950 nền được mở bán. Đồng Nai khoảng 750 – 850 nền, Bình Dương khoảng 600 – 700 nền. Các khu vực còn lại như TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh phân bổ rải rác với tổng khoảng 200 – 400 nền.

Sự chú ý của thị trường sẽ tập trung ở nhóm sản phẩm được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh và dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý.

Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với năm 2023, các chính sách ưu đãi, chiết khấu, kéo giãn tiến độ thanh toán… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Tại thị trường thứ cấp, giao dịch phát sinh chủ yếu ở các sản phẩm đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, có giá trị vừa phải phù hợp với phần lớn khả năng tài chính của các nhà đầu tư.

Mặt bằng giá thứ cấp thị trường căn hộ khó đột biến trong ngắn hạn

Đối với thị trường căn hộ, nguồn cung mới đưa ra dự kiến tăng so với năm 2023, dao động ở mức 12,000 – 15,000 căn, phần lớn tập trung tại TPHCM khoảng 8,000 – 10,000 căn, Bình Dương 4,000 – 6,000 căn, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu 300 – 500 căn ở mỗi địa phương hay Long An khoảng 200 – 300 căn.

Phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung tại TPHCM, trong khi căn hộ hạng B và C tiếp tục là phân khúc chủ đạo tại Bình Dương và các tỉnh giáp ranh.

Nguồn cung – sức cầu thị trường vào đầu năm không có nhiều biến động so với cuối năm 2023 và được kỳ vọng khởi sắc từ quý 3/2024 khi những chính sách pháp lý đủ độ “ngấm” lên thị trường giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, triển vọng phục hồi của nền kinh tế.

Thanh khoản thị trường tập trung ở những dự án nhà ở vừa túi tiền phục vụ cho nhu cầu ở thực với mức giá trên dưới 50 triệu đồng/m2 tại TPHCM hay dưới 35 triệu đồng/m2 tại Bình Dương và các tỉnh giáp ranh.

Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động hoặc điều chỉnh tăng nhẹ trước áp lực các chi phí đầu vào, các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, hỗ trợ ân hạn gốc, lãi vay ngân hàng… tiếp tục được đẩy mạnh nhằm kích cầu thị trường.

Thanh khoản cũng như mặt bằng giá thứ cấp khó có những đột biến trong ngắn hạn. Tuy nhiên các giao dịch “cắt lỗ”, giảm sâu giá bán có thể sẽ giảm đáng kể do phần lớn người mua lạm dụng đòn bẩy tài chính đã thực hiện cơ cấu hoặc bán bớt tài sản giai đoạn 2020 – 2023.

Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung nhà phố/biệt thự mở bán mới  

Với thị trường nhà phố/biệt thự trong năm 2024, nguồn cung mới tại TPHCM và vùng phụ cận dự kiến tăng nhẹ, dao động trong khoảng 1,200 – 1,500 căn.

Nguồn cung của thị trường chủ yếu thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo. Trong đó, các địa phương như Long An, Đồng Nai, Bình Dương khoảng 300 – 500 căn, Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 120 – 140 căn, TPHCM khoảng 60 – 80 căn. Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mở bán mới.

Sức cầu chung của thị trường có thể khởi sắc vào gần cuối năm 2024, nhóm sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý, dự án hoàn thiện hạ tầng, được phát triển bởi các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng.

Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với năm 2023, các chính sách kích cầu thị trường tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng.

Thanh khoản và mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục đà giảm của năm 2023, mức giảm tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng có sử dụng vốn vay, các dự án gặp vướng mắc về pháp lý.

Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến đi ngang so với năm trước

Cuối cùng là bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung condotel dự kiến giảm so với năm 2023, dao động khoảng 800 – 1,000 căn đưa ra thị trường, phân bổ chủ yếu tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Ninh.

Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng tương đương với năm 2023, khoảng 250 – 300 căn đưa ra thị trường, tập trung chủ yếu ở Hòa Bình.

Nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dự kiến tương đương năm 2023 với khoảng 200 – 300 căn đưa ra thị trường. Nguồn cung chủ yếu tập trung ở Kiên Giang.

Sức cầu chung thị trường tiếp tục xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của phân khúc này trong ngắn hạn.

Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định, khó có những biến động mạnh về giá trong năm 2024. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê,… tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong năm 2024.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến sẽ khó bứt phá vào năm 2024 và nhiều khả năng đà giảm của thị trường vẫn tiếp tục kéo dài trong 3 – 5 năm tiếp theo.

Hà Lễ

FILI

%d bloggers like this: