Trông chờ gì ngành xây dựng năm 2024?

Trông chờ gì ngành xây dựng năm 2024?

Để ngành xây dựng phát triển, chủ yếu nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sự xáo trộn khó lường của thị trường này trong năm qua khiến các nhà thầu xây dựng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

2023 được coi là một năm đầy khó khăn với ngành xây dựng khi nhiều doanh nghiệp phải giải thể, cắt giảm nhân sự, dự án tạm ngưng, nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư mất khả năng chi trả hoặc chây ì trả nợ.

Nhiều cuộc họp của Chính phủ, ban, bộ, ngành diễn ra để tìm cách tháo gỡ khó khăn chung cho thị trường và mọi thứ đã dần khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm 2023. Trên đà hồi phục, liệu năm 2024, ngành xây dựng sẽ thực sự lấy lại sinh khí?

Thận trọng ngắn hạn, lạc quan dài hạn

Những chính sách khuyến khích đầu tư công của Chính phủ thời gian qua đã tháo gỡ phần nào khó khăn về nguồn cung công việc mới cho các doanh nghiệp xây dựng trong những năm tiếp theo. Dù hiệu quả chưa cao, đây là cách để duy trì bộ máy.

Ông lớn ngành xây dựng – Coteccons (CTD) cho biết, 2023 là một năm khó khăn của ngành khi thị trường bất động sản đóng băng kèm những tín hiệu phục hồi khá chậm vào 3 tháng cuối năm. Qua đó, các công ty xây dựng cũng chịu ảnh hưởng, bởi 2 ngành này gắn liền mật thiết khiến nguồn cung công việc ngắn hạn ở mảng xây dựng dân dụng bị thiếu hụt.

CTD kỳ vọng nửa sau 2024 tới nửa đầu 2025 sẽ là thời gian xoay chiều của ngành bất động sản. Lượng cầu ở phân khúc căn hộ với pháp lý rõ ràng vẫn cao nên ở mảng bất động sản thương mại, những chủ đầu tư có quỹ đất sạch, pháp lý rõ ràng vẫn có kế hoạch triển khai bình thường.

Ngoài ra, FDI đang là điểm sáng của Việt Nam với mức tăng trưởng rõ rệt về sản lượng đăng ký mới trong năm 2023. Vì vậy, các công ty xây dựng cũng kỳ vọng hưởng lợi từ việc xây dựng nhà máy cho các công ty toàn cầu trong tương lai.

Điều đáng lo ngại nhất trong năm 2023 là khi thị trường kéo dài tình trạng ảm đạm, lâu hơn dự kiến và việc các công ty xây dựng sẽ vẫn lao vào cuộc chiến trả giá thấp để thắng thầu bằng mọi giá” – đại diện Coteccons chia sẻ.

Hướng đến năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 6.5 – 7%, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 43.7%, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt trên 26.5 m2 sàn/người; sản lượng sản xuất xi măng khoảng 100 triệu tấn.

“Chuyển mình” theo xu hướng phù hợp với tình hình thị trường

Nhiều doanh nghiệp xây dựng trước đây chủ yếu thi công dân dụng nay cũng phải “chuyển mình” theo xu hướng và tình hình thị trường, nhằm bám trụ với ngành.

Coteccons cũng không phải ngoại lệ khi cho biết, đầu tư công và hạ tầng là một trong những mảng Công ty sẽ bước vào. “Không giống bất động sản thương mại backlog (giá trị hợp đồng ký kết chưa thực hiện) sẽ tăng tịnh tiến qua các dự án, ở mảng đầu tư công và hạ tầng, một là trúng với lượng backlog lớn, hai là không trúng và không có gì” – đại diện CTD cho biết.

Bên cạnh đó, nhà ở xã hội cũng là mảng CTD đang nghiên cứu để sớm thực hiện cùng biện pháp precast (bê tông đúc sẵn). Dự kiến trong năm 2024 sẽ có những kết quả bước đầu.

Trong năm 2024, Coteccons sẽ đa dạng hóa doanh thu với các mục tiêu chủ chốt như sử dụng các giải pháp tài chính cho dự án xây dựng và sử dụng công nghệ để cắt giảm chi phí vận hành (fintech), chuyển đổi từ kinh doanh xây dựng truyền thống sang xây dựng cải tiến, tập trung nghiên cứu phát triển nhằm cung cấp các giải pháp công nghệ cho xây dựng và nâng cao trải nghiệm khách hàng (buildtech).

Bên cạnh đó, CTD cung cấp dịch vụ xây dựng các dự án thương mại sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời) nhằm giải quyết những vấn đề về môi trường và nâng cao chất lượng sống con người (greentech); đầu tư mới vào mảng vật liệu xây dựng công nghệ mới, phát triển các dự án nhà ở xã hội, M&A, cơ sở hạ tầng, data center…

Với tình hình khó khăn như hiện nay, đại diện Coteccons cho rằng, việc đa dạng hóa nguồn doanh thu (không phải đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh) nhưng vẫn bám chặt vào sản xuất cốt lõi của công ty (xây dựng) sẽ là chiến lược an toàn. “Việc đa dạng hóa ngành nghề là đi ra ngoài năng lực cốt lõi, sự hiểu biết của doanh nghiệp, sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về đầu tư nguồn lực” – Coteccons nhận định.

Chuyển đổi số trong ngành xây dựng là thiết yếu

Theo Bộ Xây dựng, kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, dựa trên quan điểm: Chuyển đổi số ngành xây dựng là nội dung quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.

Từ trước đến nay, các hoạt động thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp xây dựng chủ yếu vẫn dùng cách truyền thống, thủ công theo dạng ghi chép văn bản giấy tờ nên phải có những kho lưu trữ tài liệu khổng lồ. Đồng thời, khi muốn sử dụng và chia sẻ những thông tin, tài liệu đó sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm. Đối với các doanh nghiệp xây dựng, khi triển khai và quản lý cùng lúc nhiều dự án khác nhau sẽ rất vất vả trong vấn đề này.

Coteccons nhận định, chuyển đổi số trong ngành xây dựng đã là nhu cầu thiết yếu từ nhiều năm trước, vì đặc thù ngành là những khoản phải thu, phải trả luôn luân chuyển nên cần phải có một hệ thống đánh giá và quản trị thu – chi chuyên biệt mới có thể phân tích và đưa ra được những quyết định chính xác.

Bên cạnh đó, số hóa cũng giúp minh bạch hơn trong công tác đấu thầu, là những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện tuân thủ. Coteccons đang triển khai hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) giai đoạn 2. Với tiêu chí là minh bạch, sau khi hoàn thành hệ thống, nhà thầu phụ và nhà cung cấp sẽ tham gia trực tiếp vào hệ thống này theo đúng quy trình.

Xanh hóa ngành xây dựng?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng dụng công nghệ cao, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero carbon của Chính phủ vào năm 2050. Đây chính là những ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, việc từng bước ‟xanh hoá” sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong đó có ngành xây dựng.

ESG là xu thế, nhưng cũng là vấn đề nan giải của ngành xây dựng Việt Nam và thế giới. Với đặc thù của ngành xây dựng, một tổng thầu không thể làm một mình được mà cần sự đồng hành từ các đối tác nhà thầu phụ, nhà cung cấp. Nếu không thay đổi theo xu hướng của thế giới, các công ty xây dựng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu” – CTD nêu quan điểm.

* ESG khu công nghiệp là một hành trình

Hiện nay, trong chiến lược về chuỗi cung ứng, Coteccons đang dự thảo green procurement (mua sắm xanh), để đảm bảo những đối tác muốn đồng hành cùng công ty trên đường dài sẽ phải có cam kết rõ ràng về hành vi, nỗ lực thay đổi trong giảm phát thải carbon.

Nói thêm về thực trạng nguồn lực lao động hiện nay, CTD cho biết, thiếu hụt lao động lành nghề không phải là vấn đề của ngành xây dựng mà là sự thiếu hụt lao động cho ngành xây dựng trong tương lai.

Trong tương lai, khi các nhà xưởng FDI tại Việt Nam đi vào hoạt động như Lego, Pandora (năm 2024 – 2025), sẽ thu hút lượng lớn lao động vào lĩnh vực sản xuất, công nhân sẽ có nhu cầu rời bỏ ngành xây dựng để vào làm cho những doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ, môi trường lao động chuyên nghiệp hơn” – CTD cho biết.

* Dự án tỷ đô lớn nhất của Đan Mạch tại Việt Nam được khởi công

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành xây dựng năm 2023 ước đạt 7.3 – 7.5%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị đạt 53.9%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 96%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước là 26m2 sàn/người. Tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

Thanh Tú

FILI

%d bloggers like this: