Cần làm gì trước các dự án bất động sản

Cần làm gì trước các dự án bất động sản đáng ngờ?

Thực trạng dự án “ma” xuất hiện tràn lan phát sinh từ tâm lý thích giá hời. Người mua dễ rơi vào những chiếc bẫy giá hời nếu như chưa trang bị kỹ các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết. Không những thế, đối tượng lừa đảo còn lợi dụng tâm lý “nhẹ dạ cả tin”, tạo áp lực khiến người mua xuống tiền nhanh để giữ giá hời hoặc chính sách ưu đãi.

Thông thường, việc mua các dự án khi mới mở bán sẽ giúp người mua có được mức giá ưu đãi cùng những chính sách thanh toán tối ưu hơn từ chủ đầu tư hoặc các đơn vị phân phối. Tuy nhiên, người mua cần đặc biệt tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý của dự án.

Theo đó, sau khi chọn được bất động sản ưng ý, người mua cần trực tiếp trao đổi, liên hệ với người bán. Trong suốt quá trình trao đổi, thương lượng giữa hai bên, người mua cần yêu cầu người bán, đơn vị môi giới hoặc liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư, đơn vị phân phối yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ cần thiết, tùy vào tiến độ xây dựng, tình trạng và loại hình dự án để có thể kiểm tra tính pháp lý của bất động sản trước khi xuống tiền. Một số giấy tờ cần thiết để kiểm tra pháp lý, tình trạng, tiến độ dự án như:

– Văn bản thông báo dự án có đủ điều kiện được bán, thuê mua do Sở Xây dựng cấp

– Chứng thư (hoặc hợp đồng) bảo lãnh của ngân hàng

– Hồ sơ pháp lý của dự án bất động sản và năng lực của chủ đầu tư

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền thuê đất của chủ đầu tư

– Giấy phép xây dựng của dự án bất động sản

– Giấy tờ về bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500

– Giấy tờ giải chấp căn hộ, lô đất định mua nếu dự án đang thế chấp

– Giấy tờ bảo lãnh ngân hàng cho chủ đầu tư với dự án

Ngoài ra, một số thông tin như các khoản phí và chi phí phát sinh, hợp đồng mẫu và các điều khoản thanh toán và bàn giao… cũng là những thông tin quan trọng cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ để yên tâm về chất lượng, tính pháp lý của nhà ở trong tương lai trước khi giao dịch.

Ở phía những doanh nghiệp lừa đảo, chính vì giá trị thu lợi bất chính từ các dự án “ma” quá lớn nên ngày càng nhiều doanh nghiệp “ma” được lập ra cùng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Bà Trần Nguyễn Hoàng Uyên – Giám đốc nền tảng proptech Nhà Tốt

Với vai trò là nền tảng kết nối nhu cầu mua – bán và cho thuê bất động sản, bà Trần Nguyễn Hoàng Uyên – Giám đốc Nhà Tốt khuyến nghị người dùng cẩn trọng khi thực hiện giao dịch, cũng như trong suốt quá trình trao đổi, thương lượng, tìm hiểu thông tin dự án. Đại diện nền tảng Nhà Tốt chia sẻ một số lưu ý có thể giúp người dùng nhận biết và cẩn trọng trước các dự án “đáng ngờ”.

Thứ nhất, thận trọng với tin đăng rao bán bất động sản giá rẻ. Người mua cần so sánh và nghiên cứu kỹ giá mặt bằng chung khu vực, đặc biệt lưu ý và cảnh giác trước các tin đăng có giá nằm ngoài giá phổ biến. Tham khảo thêm ý kiến người thân, bạn bè, các chuyên gia hoặc hỏi thăm trực tiếp người dân xung quanh về thông tin bất động sản dự tính mua. Ngoài ra, cần kiểm tra độ uy tín của người bán/môi giới và chủ đầu tư.

Thứ hai, cẩn trọng với trường hợp “dắt đi” bất động sản khác với tin đăng. Lưu ý: không hẹn gặp người bán tại địa điểm khác với vị trí của bất động sản đăng bán hoặc theo các khung giờ cố định từ phía người bán. Không lên xe buýt/xe trung chuyển theo yêu cầu của người bán để đi xem bất động sản ở nơi khác và không đặt cọc nếu chưa xác định được chủ sở hữu và tính pháp lý của bất động sản.

Người mua nên yêu cầu gặp mặt trực tiếp chủ bất động sản, xem bản gốc giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản. Kiểm tra kỹ hiện trạng của bất động sản và đọc kỹ các điều khoản có trong hợp đồng đặt cọc.

Thêm vào đó, cần cảnh giác khi môi giới hoặc chủ bất động sản yêu cầu đặt cọc để được ưu tiên suất mua bất động sản. Không cọc tiền khi chưa xác định được tính pháp lý của bất động sản/hợp đồng đặt cọc không rõ ràng, vì có thể xảy ra tranh chấp sau này.

Nhìn nhận lại bản chất của đầu tư, rủi ro càng cao thì lợi tức càng lớn. Tuy nhiên, Nhà nước đang thúc đẩy một số dự luật và phương án để giúp nền kinh tế trở nên an toàn và minh bạch hơn. Theo đó, các dự án sẽ cần đáp ứng thêm một số điều kiện pháp lý và tín dụng để có thể đủ điều kiện cho nhà đầu tư cân nhắc. Điều này cũng sẽ khiến thị trường và khẩu vị đầu tư trong tương lai có những thay đổi nhất định so với hiện tại, tạo môi trường bảo đảm và linh hoạt hơn cho những doanh nghiệp trên thị trường.

Riêng các doanh nghiệp trẻ cũng cần nắm bắt thêm nhiều thông tin, trang bị đầy đủ kiến thức trước khi quyết định dấn thân vào thị trường bất động sản như hiện nay. Hiện tại, các doanh nghiệp trẻ có thể sử dụng một số công cụ và phương tiện trên các nền tảng proptech để giúp tiếp cận người mua tiềm năng.

Hà Lễ

FILI

%d bloggers like this: