Bản đồ quy hoạch số – nền tảng cho đô thị thông tin
Nhằm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất mà các địa phương đạt được hiện nay là xây dựng được hệ thống bản đồ số về quy hoạch, xây dựng, góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản… và việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến đất đai, nhà ở bảo đảm đúng quy định.
Ngày 27/03/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2045, phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển, phấn đấu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại; việc phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia phải đảm bảo tạo dựng, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn cầu.
Trước đó vào ngày 23/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, hạn chế kiểm tra, giám sát thủ công; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch, làm giàu dữ liệu, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành trong tháng 06/2023.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản… và việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến đất đai, nhà ở bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành trong tháng 03/2023.
Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thời gian hoàn thành trong tháng 06/2023.
Trên tinh thần của Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong Báo cáo cải cách hành chính quý 1/2023, cho biết đã kết nối được cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai của 57/63 tỉnh, thành phố với 355/705 đơn vị cấp huyện, 4,829/10,599 đơn vị cấp xã với tổng số hơn 24 triệu thửa đất.
Trong quá trình hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, hệ thống bản đồ số được coi là “bộ não” của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bản đồ số là hệ thống thông tin về yếu tố địa hình, các đối tượng, hiện tượng, địa lý đã được mã hóa và lưu trữ dưới dạng số (bao gồm tọa độ, độ cao, các số liệu thuộc tính). So với bản đồ truyền thống, bản đồ số có tính linh hoạt hơn thông qua các yếu tố như: tính trực quan, tính đầy đủ, tính chuẩn hóa cao và đa dạng ứng dụng.
Những thành phố lớn với mật độ đô thị dày đặc và dân cư đông đúc là những địa phương đi đầu trong việc triển khai xây dựng bản đồ số.
Ứng dụng “Thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh” được phát triển và quản lý bởi Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, vận hành vào năm 2017, cung cấp thông tin quy hoạch đô thị tại thành phố đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp thông qua web và thiết bị di động thông minh. Bằng ứng dụng, người dùng có thể xác định vị trí của khu đất thông qua việc nhập toạ độ khu đất hoặc xác định vị trí khu đất thông qua định vị GPS trên thiết bị di động thông minh.
Ứng dụng tại địa chỉ https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/ cung cấp thông tin quy hoạch đô thị, bản đồ sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 dạng bản giấy có đóng dấu phê duyệt được sao chụp (scan) và sắp xếp thống nhất vào hệ toạ độ VN2000 – Ảnh: TM |
Đô thị, ùn tắc giao thông, ngập nước là ba vấn đề nóng của TPHCM nhiều năm qua. Nhận thấy được tính cần thiết trong việc cập nhật thông tin liên quan, TPHCM đã nhanh chóng triển khai những ứng dụng liên quan để phục vụ nhu cầu tra cứu 24/7 của người dân gồm Ứng dụng Thông tin Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, Cổng thông tin giao thông, Thông tin về tình trạng ngập nước. |
Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho ra mắt bản đồ quy hoạch (bản thử nghiệm) từ năm 2019.
Giao diện tra cứu thông tin địa chính TP. Đà Nẵng của Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa chỉ http://ttdd.tnmt.danang.gov.vn/ |
Sở TN&MT Đà Nẵng cho hay, việc chuẩn hóa và xuất bản thông tin về thửa đất lên Công thông tin đất đai cơ bản đã hoàn thành. Tổ chức, công dân và doanh nghiệp có nhu cầu tra cứu thông tin có thể truy cập vào địa chỉ trên để tra cứu thông tin thửa đất, thông tin quy hoạch, thông tin bảng giá đất được cơ quan nhà nước phê duyệt, đo lường khoảng cách/diện tích…
Tính năng tra cứu thửa đất (bên trên), thông tin dự án (bên dưới) của Cổng thông tin địa chính TP. Đà Nẵng |
Bên cạnh Sở TN&MT, Sở Xây dựng của Đà Nẵng có ứng dụng Cổng thông tin quy hoạch kiến trúc từ năm 2022.
Người dân sử dụng ứng dụng Cổng thông tin quy hoạch kiến trúc TP. Đà Nẵng tại địa chỉ https://gisportal.danang.gov.vn/sxd/ – Ảnh: TM |
Theo xu hướng chung, nhiều địa phương đã phát triển bản đồ số thành các ứng dụng điện thoại. Đơn cử DNAI.LIS của tỉnh Đồng Nai có thể tra cứu nhanh thông tin đất trong địa bàn tỉnh, được Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN&MT) xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi miễn phí từ năm 2015.
DNAI.LIS cung cấp thông tin tra cứu về số tờ, số thửa bằng mã vạch in trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích, mục đích sử dụng đất của từng phần diện tích của khu đất.
Người dân tra cứu thông tin về thửa đất trên DNAI.LIS – phần mềm được phát hành trên CH Play và Appstore – Ảnh: TM |
Các ứng dụng được phát trên nền tảng công nghệ là hệ thống thông tin địa lý gồm bản đồ giấy, bản đồ số quy hoạch xây dựng theo các cấp quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, tích hợp dữ liệu nền bản đồ địa chính. Thông qua đó, tổ chức, cá nhân có thể tra cứu, khai thác trực tuyến thông tin quy hoạch.
Hiện tại, đa phần địa phương công bố bản đồ quy hoạch dưới dạng scan hình ảnh bản đồ giấy. Tuy thông tin chi tiết, nhưng một số người dùng chưa tìm được chính xác thửa đất mong muốn. Mặt khác, các trình duyệt web hiện tại có độ zoom nhất định nên bản đồ có chi tiết quá nhỏ thì người dùng gần như không thể xem được nội dung, đặc biệt khi sử dụng điện thoại.
Bên cạnh tiến độ triển khai chậm, việc xây dựng bản đồ số của các địa phương còn gặp cạnh tranh với các ứng dụng tương tự từ các bên thứ ba. Nếu gõ các từ khóa như “bản đồ số” hay “bản đồ quy hoạch” cùng tên một tỉnh thành bất kỳ trên Google thì kết quả trả về đa phần là bản đồ từ các bên cung cấp dịch vụ như Remaps, Meeymap, Guland, Onland…
Đối với các bản đồ số được cung cấp bởi bên thứ ba, thông tin thường được cập nhật nhanh và đầy đủ. Bù lại, các nền tảng này thường yêu cầu người dùng tạo tài khoản và tính phí đối với các tìm kiếm nâng cao; bên cạnh đó người dùng có thể gặp rủi ro về tính chính xác của các thông tin quy hoạch.
Điểm hạn chế nữa là ứng dụng của địa phương còn đối mặt với tình trạng bị giả mạo, bị hack khiến thông tin sai lệch so với thực tế.
Nhu cầu khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân về quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương là rất lớn. Khi người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, đầy đủ sẽ góp phần ngăn chặn, giảm thiểu nhiều vấn đề của thị trường bất động sản, đặc biệt là tình trạng sốt đất, làm giá, quy hoạch “ảo”…
Vai trò của chính quyền địa phương là rất lớn khi đây sẽ là cơ quan nắm nhiều dữ liệu, đảm bảo tính chính xác của thông tin.
Hướng tới việc trở thành đô thị thông minh, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất trên địa bàn Thành phố nhằm duy trì, cập nhật, khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị. Chiến lược dữ liệu số của thành phố đối với nhóm đất đai – đô thị sẽ bao gồm Nhóm dữ liệu đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý, Nhóm dữ liệu ngành xây dựng, Nhóm dữ liệu giao thông, Nhóm dữ liệu quy hoạch – kiến trúc.
Hà Lễ
FILI
Comments are closed.