Gamuda Land Việt Nam đề xuất thành lập tổ tư vấn

Gamuda Land Việt Nam đề xuất thành lập tổ tư vấn cải tiến thủ tục phê duyệt dự án

Tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc – Thúc đẩy tăng trưởng” tổ chức sáng 19/04, ông Angus Liew – Chủ tịch Công ty Gamuda Land Việt Nam muốn đề xuất thành lập một tổ tư vấn chuyên biệt có sự tham gia của các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cùng Chính phủ tìm ra phương án cải tiến thủ tục phê duyệt dự án.

Ông Angus Liew, Chủ tịch Công ty Gamuda Land Việt Nam.

Thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng vượt trội

Ông Angus Liew cho biết, Gamuda Land không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự điều chỉnh của thị trường do được hỗ trợ tài chính ổn định. Và Công ty nhận thấy, bây giờ là chính thời điểm tuyệt vời để bắt đầu kế hoạch mở rộng chiến lược tại Việt Nam.

Mục tiêu của Gamuda Land Việt Nam là khai trương từ 10 – 15 dự án mới trong vòng 5 năm tới. Cùng với đó, mục tiêu kế hoạch 5 năm của Tập đoàn Gamuda Berhad là đạt doanh thu 2 tỷ USD/năm bắt đầu từ năm nay.

“Thị trường bất động sản Việt Nam đang mở ra vô số cơ hội và vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng vượt trội hơn nữa. Khi mọi công đoạn phát triển dự án được đẩy nhanh và chuẩn chỉnh hơn thì mặt bằng giá nhà cũng sẽ được kiểm soát ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân đều có thể sở hữu nhà”, Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam khẳng định.

“Sớm dỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành chính cho bất động sản”

Theo đại diện doanh nghiệp đến từ Malaysia, Gamuda Land đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ 2007. Trong 15 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cải cách về pháp lý, khung pháp luật cho ngành bất động sản. Tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt có thể cải thiện hơn nữa.

Ông Angus Liew chia sẻ rằng thủ tục phê duyệt dự án ở Việt Nam thường khá lâu. Từ lúc thu mua quỹ đất đến khi sẵn sàng triển khai dự án là một khoảng thời gian dài. Vì vậy, việc Chính phủ nỗ lực thực hiện biện pháp đấu giá đất là rất tốt. Khi cơ quan công quyền đứng ra thực hiện công tác đền bù giải tỏa và sau đó cho đấu thầu, các chủ đầu tư có thể bắt tay vào phát triển dự án ngay.

Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam đề xuất Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện cơ chế đấu giá đất, sao cho quá trình đấu thầu diễn ra minh bạch và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ông Angus Liew cũng đưa ra nhiều để xuất để tháo gỡ cho thị trường bất động sản hiện tại, phát triển bền vững hơn. Đó là nhanh chóng số hóa thủ tục hành chính, chuyển sang trực tuyến một cách toàn diện, như vậy sẽ giúp rút ngắn quy trình đi khá nhiều. Số hóa cũng giúp cho mọi thứ minh bạch hơn, giúp theo dõi tình trạng hồ sơ dễ dàng hơn.

Hay việc phi chính quy hóa một vài khâu trong việc thực thi thủ tục. Một ví dụ điển hình ở Malaysia là việc kiểm tra cấp giấy chứng nhận hoàn thiện dự án trước đây do chính quyền địa phương phụ trách. Nhưng từ năm 2005, Malaysia đã luật hóa chuyển giao cho các tổ chức chuyên môn, như các công ty kiến trúc hoặc kỹ thuật xây dựng

Bên cạnh đó, đề xuất thành lập một tổ tư vấn chuyên biệt có sự tham gia của các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cùng Chính phủ tìm ra phương án cải tiến thủ tục phê duyệt dự án. “Gamuda Land có thể giúp sức bằng việc tham gia vào và chia sẻ những kinh nghiệm ở Malaysia cùng với các doanh nghiệp Singapore và Thái Lan”, ông Angus Liew nói.

Mặt khác, để tránh tạo ra các nút thắt và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam cho rằng các cơ quan chức năng và ngân hàng nên phối hợp với nhau để thiết lập cơ chế thẩm định và ưu tiên các dự án có tính pháp lý tốt, phương án kinh doanh khả thi; tạo điều kiện cho các nhà phát triển đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tránh tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung.

Cuối cùng, điều quan trọng là phải làm sao để những người mua nhà lần đầu tiếp cận được nguồn vốn vay vì họ là những người mua thực sự. Đối với phân khúc này, chính sách tín dụng cần linh hoạt, dễ tiếp cận để giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Về phía các nhà phát triển bất động sản, ông Angus Liew cho rằng thời điểm này các doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch và chiến lược kinh doanh của mình một cách kỹ lưỡng, từ danh mục dự án, tình hình tài chính, đến hệ thống vận hành…

Ngoài ra, Gamuda Land tiếp cận bằng cách mở rộng danh mục dự án thông qua việc triển khai các dự án quay vòng nhanh (QTP) – các dự án có tiến độ phát triển trong khoảng 1 – 2 năm. Các dự án này dự báo sẽ mang lại lợi nhuận trong vòng 5 năm và cho phép tái đầu tư vào các dự án mới khác trong tương lai.

Gamuda Land được thành lập vào năm 1995, và được xem là bộ phận phát triển bất động sản của Gamuda Berhad, Tập đoàn, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu Malaysia.

Hiện tại, Gamuda Land đang đầu tư hai khu đô thị Gamuda City quy mô 274 ha tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và Celadon City rộng 82 ha tại quận Tân Phú, TPHCM. Văn phòng của Công ty cũng nằm tại quận Tân Phú, TPHCM; một chi nhánh khác được đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Khu đô thị Celadon City

Năm 2022, Gamuda Land công khai đã nắm thành công hai thương vụ M&A có giá trị lớn, bao gồm một thương vụ mua lại dự án Artisan Park tại Thành phố mới Bình Dương từ CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), sau đó không lâu, Tập đoàn này đã sáp nhập một công ty nội địa để qua đó sở hữu Elysian.

Thế Mạnh

FILI

%d bloggers like this: