Tín dụng bất động sản tại thành phố Hồ Chí

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Đây là mức tăng cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn, 7 tháng đầu năm tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%.

Trong đó, tín dụng nhà ở (nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 57% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm.

Đồng thời, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh gồm: cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp – khu chế xuất cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc; xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch… đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.

Cụ thể, dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp – khu chế xuất đạt 48.392 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2023; cho vay văn phòng cao ốc đạt 24.041 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng cao là do trong 7 tháng đầu năm các tổ chức tín dụng đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại thành phố Thủ Đức.

Ông Lệnh cho biết: “Những kết quả về hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản chủ yếu là cho vay trung và dài hạn, có thời gian dài. Bởi vậy sự tăng trưởng và phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường có tác động quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại”.

Do đó, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng và về mục đích sử dụng vốn vay và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ không chỉ là yếu tố bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Ngoài ra, về phía các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm, khai thác và sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả, gắn với những chuyển biến tích cực từ thị trường như về phát triển bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp – khu chế xuất; du lịch dịch vụ; về tạo lập nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, với những thay đổi từ cơ chế chính sách và giải pháp phát triển bền vững cho thị trường.

Comments are closed.