Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Chủ đầu tư và người mua NƠXH đang phải vay với lãi suất quá cao
Chia sẻ ý kiến tại Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện các chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8.7% và người mua nhà ở xã hội là 8.2% năm là rất cao và cần phải có chính sách lãi suất hợp lý hơn.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì trong 2 quý vừa qua, thị trường bất động sản nổi lên tín hiệu tích cực nhất ở hai phân khúc, đó là nhà ở xã hội và hạ tầng bất động sản công nghiệp. Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, những nhóm khó khăn hiện nay vẫn tập trung vào ba khó khăn chính về pháp lý, nguồn vốn và tổ chức thực hiện.
Những vướng mắc về pháp lý chủ yếu do liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư; liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng; những biến động chi phí đầu tư, nguyên vật liệu; về giá nhà chưa hợp lý.
Đối với các vướng mắc này, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát vào các nội dung trong Nghị quyết 33, Nghị định 08, Nghị định 10, Nghị định 35 cũng như các chỉ đạo của Tổ công tác của Thủ tướng để vận dụng tối đa, giải quyết khó khăn vướng mắc.
Đối với chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện, cần chủ động giải quyết những nhóm vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm có thời hạn giải quyết và có báo cáo theo định kỳ.
Riêng đối với nhà ở xã hội, chúng tôi đề xuất cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất… Về quy trình đầu tư phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết. Hiện tại nếu chúng ta vẫn cứ như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng thì rất khó. Tôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng.
Về tiêu chí người mua nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt, chúng tôi đề nghị tận dụng ngay các dữ liệu về dân cư mà ngành công an đang quản lý để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà.
Về vấn đề lãi suất, hiện các chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8.7% và người mua nhà ở xã hội là 8.2% năm, rất cao. Chúng tôi kiến nghị, chủ đầu tư được vay ở mức dưới mức 6 % và người mua nhà là dưới 4.5% năm.
Về lợi nhuận định mức các doanh nghiệp cũng kiến nghị nên quy định ở mức trên 10%, thay cho dưới 10% như hiện nay.
Chúng tôi cũng kiến nghị, các địa phương ưu tiên đầu tư hạ tầng ở ngoài hàng rào các dự án để khi dự án nhà ở xã hội triển khai thì sẽ kết nối được ngay. Cần đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho giai đoạn từ năm 2024 trở đi, vì nếu các địa phương không ra soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội, ngay trong 6 tháng cuối năm 2023 thì bước sang năm 2024 vẫn lúng túng trong việc triển khai ở xã hội cũng như nhà ở thương mại.
Về cải tạo nhà chung cư cũ, việc lựa chọn chủ đầu tư và thỏa thuận với các hộ dân cần di dời vẫn là vấn đề mang tính đặc thù và khó nhất hiện nay. Để thu hút các doanh nghiệp, Hiệp hội kiến nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề điều chỉnh bài toán về quy hoạch, có cơ chế cho phép chủ đầu tư sử dụng phần thương mại không phải là 20% như hiện tại. Bên cạnh đó quy định về thỏa thuận với các hộ dân tại chung cư cũ cần được sửa đổi cho linh hoạt hơn theo tinh thần đảm bảo an toàn chung cho người dân.
Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi kêu gọi cần triển khai mạnh hơn nữa các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và địa phương. Trong đó tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc cơ cấu lại sản phẩm, phân khúc nhà cho phù hợp với thu nhập và nhu cầu thị trường; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; xác định lại giá bán; đồng thời tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư về phương án giãn, hoãn nợ và thực hiện đúng các cam kết với các nhà đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nêu vấn đề thời hạn sử dụng đất. Theo ông Châu, các dự án không chỉ riêng địa ốc và du lịch mà thời hạn sử dụng đất trong Luật Đất đai hiện nay vướng sở hữu đất đai. Vì Luật đang quy định thời hạn sử dụng đất tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thời gian 3 năm, 5 năm xây dựng thì nên thuê rồi sau đó tính thời hạn từ ngày hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Đối với thị trường BĐS đúng là 70% vướng mắc pháp lý. Còn vướng mắc tiếp theo đó là vướng mắc về thị trường vốn như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu. Chúng tôi đề nghị xem xét lại một số quy định của Ngân hàng Nhà nước trong các thông tư.
Chúng tôi rất hoan nghênh Thông tư 03, tổng thể là tháo gỡ được một số khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi đề nghị hoãn Điểm a Khoản 8 Điều 4 của Thông tư 16/2021/TT-NHNN. Đặc biệt chúng tôi đề nghị sửa Thông tư 06 để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật.
Nhật Quang
FILI
Comments are closed.