Đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư: Thị trường nhà ở ra sao?
Chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư dù mới chỉ là đề xuất của Chính phủ trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi vừa trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng thị trường bất động sản đã có ảnh hưởng, phản ứng ngay lập tức.
* Không thể chấm dứt quyền sở hữu chung cư bằng quyết định hành chính
* Chính phủ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn
Người dân hoang mang
Tâm lý hoang mang quyền sở hữu căn hộ chung cư của mình có thể bị phủ nhận nếu đề xuất được thông qua đang hiện hữu trong cộng đồng tại nhiều khu nhà chung cư cũ và nhà chung cư thương mại.
Chị Trần Thủy Bình (39 tuổi), mới chi hơn 2 tỉ đồng mua một căn hộ chung cư cũ rộng gần 40 m2 tại P.Thành Công (Q.Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ hai vợ chồng bàn nhau chấp nhận ở nhà tập thể cũ để chờ chính sách tái thiết sẽ có nhà mới tại vị trí trung tâm. Mới dọn đến ở được vài tháng thì thấy thông tin đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư (QSHNCC) khi phá dỡ, vợ chồng chị không khỏi nóng lòng.
Nhiều người dân ở nhà chung cư, nhất là chung cư cũ lo sợ bị mất quyền sở hữu căn hộ khi phá dỡ vì đề xuất trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi. LÊ QUÂN |
“Tờ trình của Chính phủ lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy lý do chậm tái thiết nhà chung cư cũ do quyền sở hữu nhà của các chủ sở hữu, rồi đề xuất chấm dứt QSHNCC khi phá dỡ như vậy là thiếu căn cứ. Chúng tôi rất mong chờ chính sách cải tạo nhà chung cư cũ, sẵn sàng di dời để bàn giao nhà lại cho chủ đầu tư mới vào tái thiết. Nhưng, điều chúng tôi băn khoăn nhất là chính sách đền bù di dời liệu có thỏa đáng”, chị Thủy chia sẻ.
Nhịn đi du lịch 1 năm, 9X tiết kiệm gần 2 tỉ đồng mua căn nhà đầu tiên | Căn nhà đầu tiên tập 3
Phản ánh đến chúng tôi, nhiều người dân ở các khu tập thể cũ Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thanh Xuân Bắc, Kim Liên (Hà Nội)… cho rằng, đề xuất chấm dứt QSHNCC đã gây ảnh hưởng đến việc mua bán giá căn hộ, do khách hàng e ngại bị mất tài sản, đắn đo xuống tiền giao dịch.
“Tôi mới đặt mua một ngôi nhà 4 tầng để chuyển sang gần trường con học. Nếu không bán được căn hộ chung cư cũ ở Ngọc Khánh thì không biết xoay đâu ra tiền trả. Oái oăm là đang rao bán thì có thông tin đề xuất chấm dứt QSHNCC khiến khách lửng lơ không muốn mua. Cần tiền gấp, tôi đã hạ giá bán xuống nhưng vẫn chưa chốt bán được”, anh Phan Ngọc Tùng (41 tuổi) ở Hà Nội cho biết.
Không chỉ cư dân nhà tập thể lo lắng về quyền sở hữu mà người dân ở chung cư thương mại cũng hoang mang về sở hữu nhà chung cư. LÊ QUÂN |
Một số môi giới bất động sản chuyên hoạt động ở khu vực trung tâm Hà Nội cho biết, sau khi thông tin đề xuất chấm dứt QSHNCC lan rộng, tâm lý khách mua nhà chung cư cũng hoang mang dao động.
Một số người chuyển hướng sang mua nhà đất trong phố thay vì căn hộ chung cư. Số lượng người quan tâm đến loại hình nhà chung cư thương mại cũng ít hẳn, vì sợ mất tài sản nếu quy định luật được thông qua. Những người quan tâm đến căn hộ nhà tập thể thì dừng lại đắn đo, nghe ngóng.
Xem nhanh 20h ngày 15.3: Bãi xe lậu dưới lòng đường Hà Nội | Nhà vệ sinh công cộng thiếu trầm trọng
Xuất hiện tâm lý e sợ pháp lý nhà chung cư
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Khánh Linh (32 tuổi), phụ trách một văn phòng môi giới bất động sản ở Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho hay vài ngày gần đây, doanh thu giảm mạnh vì khách băn khoăn quy định sở hữu nhà chung cư.
“Hy vọng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thấu đáo, bác đề xuất chấm dứt QSHNCC khi phá dỡ để người dân yên tâm giao dịch, sinh sống ở nhà chung cư mà không phải lo bị mất tài sản. Hoặc nếu thông qua thì không nên hồi tố đối với những nhà chung cư đã xây dựng”, chị Linh bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều người dân ở vùng ven Hà Nội tại các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Gia Lâm… chọn phương án xây nhà ở thay vì mua căn hộ chung cư khu vực trung tâm để tiện đi làm.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (30 tuổi, trú H.Đan Phượng) kể, hai vợ chồng làm việc ở khu vực Q.Cầu Giấy (Hà Nội), đang tìm mua căn hộ chung cư nhưng khi nghe có đề xuất chấm dứt QSHNCC thì đổi ý, quyết định đầu tư xây nhà 3 tầng ở quê.
Lo ngại chính sách pháp luật về nhà chung cư biến đổi, nhiều người trẻ ở vùng ven chọn bỏ tiền xây nhà liền đất ở quê thay vì mua chung cư vùng trung tâm Hà Nội. LÊ QUÂN |
“Em lựa chọn như vậy để yên tâm tập trung làm ăn, không phải canh cánh chuyện nhà cửa nữa. Dù mới chỉ là đề xuất, nhưng nếu thông qua thì tự nhiên rơi vào thế phải đếm lùi ngày rời khỏi căn hộ – tài sản lớn của chính mình sở hữu. An cư lập nghiệp là tư duy truyền thống của người Việt nên em rất sợ bị mất tài sản”, anh Mạnh nói.
Theo anh Mạnh, trong công ty anh cũng có nhiều bạn trẻ nhà ở vùng ven từ bỏ ý định mua chung cư vùng trung tâm để về ngoại ô xây nhà ở, vì lo pháp lý nhà chung cư không ổn định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, bày tỏ rất lo lắng vì những đề xuất gây xáo trộn tâm lý mạnh như việc chấm dứt QSHNCC. Cả nước có hàng nghìn nhà chung cư với cả triệu người đang sinh sống nên mức độ ảnh hưởng của mỗi chính sách là rất lớn.
Việc thiết kế chính sách nên chăm chút theo hướng để loại hình nhà ở này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Làm sao để người dân cởi mở hơn với loại hình căn hộ chung cư thay vì chỉ thích nhà liền đất, giúp tiết kiệm đất đai là tài nguyên hữu hạn.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam), bày tỏ không nên có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Theo ông Thường, cần rà soát tất cả các chính sách, dự thảo chính sách liên quan đến QSHNCC cho đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo các nguyên tắc: các quy định không trái với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật hiện hành, nhất là các quy phạm của dự thảo luật Đất đai sửa đổi đang soạn thảo.
Đồng thời, đảm bảo tính khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn; đánh giá đầy đủ tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế – xã hội của các chính sách, nhất là quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Lê Quân
Thanh niên
Comments are closed.